Kiểm soát thuốc lá mới: Tiếp cận theo xu thế của thế giới
02-10-2024 18:28
Tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (COP 8), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có khuyến cáo các nước thành viên: Việc cho phép các sản phẩm mới có thể làm tăng tỷ lệ sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá nung nóng (TLNN), dẫn tới nghiện nicotine và sử dụng thuốc lá điếu ở giới trẻ. Các nước cần cân nhắc ưu tiên áp dụng các biện pháp để ngăn chặn sự bắt đầu sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới, bao gồm ở cấp độ cao nhất là ban hành quy định cấm.
Tuy nhiên, số liệu mới nhất của WHO cũng ghi nhận: Với TLNN đã có 184/195 quốc gia thành viên áp dụng quy định quản lý (bao gồm 3 nước ASEAN là Malaysia, Indonesia, Philippines), chỉ có 11/195 nước chính thức cấm TLNN, bao gồm 5 nước ASEAN là Thái Lan, Singapore, Campuchia, Lào, Brunei. Tương tự, với TLĐT, có 88/195 quốc gia đang quản lý TLĐT tương tự thuốc lá điếu.
Cấm có thực sự hiệu quả?
Mặc dù WHO khuyến nghị các quốc gia thành viên quản lý chặt chẽ, có thể áp dụng hình thức cao nhất là cấm, nhưng số lượng các nước chọn quản lý thuốc lá mới vẫn đang gia tăng, lớn hơn rất nhiều so với thiểu số các nước chọn cấm.
Trên thực tế, việc quản lý thuốc lá mới dựa trên chính kiến của quốc gia hiện đã vượt ngoài khuôn khổ khuyến nghị của WHO, như áp thuế TLNN thấp hơn, hoặc các quy định kiểm soát nới lỏng hơn so với thuốc lá điếu. Chính sách này đang giúp các quốc gia này giảm tỷ lệ tiêu thụ thuốc lá, cũng như tiết kiệm ngân sách thay vì chỉ lao vào cuộc chiến chống thuốc lá lậu không hồi kết.
Để minh chứng, tạp chí y học uy tín The Lancet nêu rõ chiến lược giảm tác hại thuốc lá nên là chiến lược trọng tâm của Công ước Khung về Kiểm soát Thuốc lá của WHO (FCTC) bên cạnh các biện pháp giảm cung và cầu, vốn cần thiết nhưng chưa đủ.
Các tác giả nhấn mạnh, WHO cần có thể hiện vai trò lãnh đạo theo hướng tích cực và hỗ trợ kỹ thuật cho các quốc gia khi họ cân nhắc việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới, bao gồm thuốc lá ngậm snus, TLNN, TLĐT và các sản phẩm thuốc lá không khói khác. Theo đó, WHO cần nêu rõ về dữ liệu thực tế về sự sụt giảm tỷ lệ tiêu thụ thuốc lá điếu tại các quốc gia đang cung cấp hợp pháp TLNN và thuốc lá mới nói chung.
Chẳng hạn tại New Zealand, tỷ lệ hút thuốc lá điếu đang giảm và được dự đoán rằng có thể giảm hơn 30% lượng người hút thuốc, vượt mục tiêu 15 năm của WHO trong giai đoạn 2010 - 2025.
Doanh số thuốc lá điếu tại Nhật Bản giảm đến 52% trong giai đoạn 2015-2023, cùng thời điểm xuất hiện của thuốc lá nung nóng. Nguồn: GSTHR.
Nhật Bản cũng chứng kiến tỷ lệ tiêu thụ thuốc lá điếu sụt giảm đáng kể, do người hút thuốc chuyển đổi sang các sản phẩm TLNN thay thế.
Trong khi đó, tại 5 quốc gia cấm thuốc lá mới tại ASEAN chưa có số liệu khẳng định việc cấm hoàn toàn thuốc lá mới đang đem lại lợi ích bằng con số cụ thể. Ngược lại, số liệu tỷ lệ tội phạm buôn lậu, hay vi phạm quy định sử dụng TLĐT ở giới trẻ ngày càng gia tăng, bất chấp lệnh cấm.
Tuy nhiên, mới đây, Ủy ban Đặc biệt của Quốc hội Thái Lan đang đề xuất 3 phương án trong bối cảnh cần chấn chỉnh lại chính sách kiểm soát thuốc lá mới một cách phù hợp với thực tiễn. Hai trong số ba phương án đề xuất là quản lý thuốc lá mới, thay cho lệnh cấm hiện nay. Điều này cho thấy, có thể tới đây Thái Lan sẽ không còn nằm trong danh sách ít quốc gia cấm thuốc lá mới.
Phát huy nội lực trong nước về kiểm soát thuốc lá mới
Theo báo cáo từ Economist Intelligence Unit (EIU), Việt Nam đã được xếp hạng là quốc gia có sự cải thiện cao nhất về môi trường kinh doanh. Điều này khẳng định vị thế trong khu vực ASEAN về khả năng thu hút đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động. GDP bình quân đầu người của Việt Nam hiện cũng đã tiệm cận với nhiều quốc gia phát triển trong khu vực, trong đó có Malaysia – quốc gia đã hợp pháp hóa các sản phẩm thuốc lá thay thế như TLNN từ năm 2018.
Do vậy, xét trên vị thế kinh tế, Việt Nam hoàn toàn xứng tầm với các quốc gia phát triển trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan, v.v. Trong đó, một trong những ưu điểm chính là hệ thống pháp luật nước ta đã được kiện toàn và có tính ổn định lâu dài để phù hợp và thích nghi với những đổi mới có yếu tố công nghệ, như xe công nghệ hay thuốc lá mới.
Ảnh minh họa. Nguồn: TL.
Cụ thể, tính bao hàm của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá ban hành 2012, kèm các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia... đang phát huy tốt vai trò nền tảng trong quản lý các sản phẩm thuốc lá. Đây cũng là cơ sở pháp lý phù hợp cho việc định nghĩa, phân loại thuốc lá mới nào là sản phẩm thuốc lá, để có thể quản lý ngay.
Với các sản phẩm thuốc lá mới có chứa dung dịch và còn nhiều tranh luận, việc tận dụng nghiên cứu khoa học từ quốc tế, kết hợp cùng các cơ quan trong nước, các viện, hiệp hội cùng với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành để cùng nghiên cứu và hoàn thiện về mặt khoa học và xã hội để từ đó có biện pháp quản lý phù hợp.
Đây cũng là bước đi mà theo các chuyên gia là phù hợp cho những quốc gia phát triển như Việt Nam, tránh định kiến “quản không được thì cấm”, hoặc thuộc nhóm quốc gia cá biệt trong một số ngành nghề đặc thù như thuốc lá./.
dangcongsan.vn